Giao tiếp là hoạt động thường xuyên diễn ra trong cuộc sống của con người. Khi nhắc đến giao tiếp, người ta thường nghĩ nhiều đến ngôn từ, tuy nhiên, ngôn ngữ bằng lời nói không phải là yếu tố duy nhất. Điều kỳ diệu trong giao tiếp là người ta có thể hiểu ý nhau không chỉ qua lời nói, mà còn qua ngôn ngữ cơ thể.
Trong tình huống cụ thể, mỗi biểu hiện, cử chỉ đều mang một ý nghĩa nhất định và ta gọi đó là một thứ ngôn ngữ không lời (Nonverbal communication) hay Ngôn ngữ cơ thể (Body language). Vậy hiểu một cách chung nhất thì ngôn ngữ cơ thể là tất cả những gì mà chúng ta thể hiện ra bên ngoài trong quá trình giao tiếp với người khác.
Đó là hệ thống tín hiệu đặc biệt, được tạo thành bởi những thao tác, chuyển động của từng bộ phận cơ thể bao gồm các cử chỉ, sự biểu lộ trên khuôn mặt, sự thể hiện qua ánh mắt, nụ cười, hành động của bàn tay, giọng điệu, điệu bộ cơ thể,… hoặc của nhiều bộ phận phối hợp và có chức năng giao tiếp hoặc phụ trợ cho ngôn ngữ nói trong quá trình giao tiếp. Có thể nói, ngôn ngữ cơ thể là công cụ hỗ trợ giao tiếp mà ai cũng có bẩm sinh.
Nội Dung
Giao tiếp bằng ánh mắt
Đôi mắt là “cửa sổ của tâm hồn”, là yếu tố bộc lộ rõ nhất cảm xúc của con người. “Ngôn ngữ của đôi mắt” giúp điều chỉnh buổi giao tiếp. Nó là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của mình đối với người khác và làm gia tăng uy tín của người nói cũng như hiểu được cảm xúc của người khác thông qua ánh mắt để có cách ứng xử phù hợp.
- Nếu bạn nhìn xuống đất, bạn đang nói với người đối diện rằng tôi ngại ngùng, hồi hộp và thậm chí không đáng tin cậy.
- Mắt nhìn về một hướng, mi mắt và tròng mắt hơi cụp xuống là biểu hiện một nỗi buồn.
- Còn tròng mắt mở to, hai con mắt nhìn rất mạnh vào người khác là biểu hiện sự tức giận.
- Người nào không hiểu những gì bạn đang nói thì thường hay nheo mắt kèm theo dướn đầu ra nghe hay ghé tai ra phía trước biểu thị muốn nghe rõ hơn.
- Việc tránh giao tiếp qua mắt thường là biểu hiện điển hình ở những người làm điều gì sai trái và cảm thấy mặc cảm, tội lỗi. Nhìn thẳng vào mắt ai đó chỉ ra rằng bạn đang dành sự chú ý cho người đó.
Giao tiếp bằng ánh mắt thể hiện sự quan tâm của bạn trong cuộc gặp gỡ, việc bạn cảm thấy thật vui khi được gặp họ. Người biết dùng “đôi mắt trong giao tiếp” thường khiến buổi trao đổi thêm cởi mở và chuyển tải được sự thích thú, chú tâm, nhiệt tình và độ đáng tin cậy của mình đến người tiếp nhận.
Ánh mắt hỗ trợ ngôn ngữ nói, đi kèm theo lời nói sẽ làm cho lời nói truyền cảm hơn, tự tin hơn. Ánh mắt còn có thể thay thế lời nói trong những điều kiện, hoàn cảnh người ta không cần hay không thể nói mà vẫn làm cho người giao tiếp hiểu được điều mình muốn nói.
Những lỗi cần tránh khi giao tiếp bằng mắt:
- Ấn tượng xấu từ cái nhìn đầu tiên
- Không nhìn vào mắt nhau khi nói chuyện
- Tránh nhìn chằm chằm vào mắt quá lâu khi nói chuyện
- Không phản hồi tín hiệu
- Chăm chú vào điện thoại
- Nhìn vào khuyết điểm của người khác
- Nhìn người khác đang dùng bữa
Giao tiếp bằng nụ cười
Giá một nụ cười rẻ hơn giá tiền điện, thế nhưng nụ cười lại tỏa sáng nhiều hơn hàng trăm bóng đèn điện. Không ai nghèo đến nỗi không thể mỉm một nụ cười, cũng không ai đủ giàu để sống mà không cần đến nụ cười của người khác.
Một nụ cười – vốn liếng tuy nhỏ bé nhưng lại sinh ra lợi lộc nhiều, nó làm giàu cho kẻ đón nhận nó mà không hề làm kẻ trao tặng nó phải nghèo đi. Ngược lại, có khi người ta sẽ còn mãi mãi ghi nhớ. Không ai đủ giàu mà bỏ qua không nhận lấy một nụ cười. Nụ cười tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nụ cười là dấu hiệu của nhân ái. Nụ cười làm cho kẻ nhọc nhằn tìm được sự thoải mái dễ chịu. Nụ cười đem lại sự can đảm cho người nản chí, hoang mang.
Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi vì không ai cần đến nụ cười bằng người không bao giờ biết cười.
- Nụ cười chân thành, thân thiết là dầu bôi trơn tốt nhất cho mọi mối quan hệ
- Đôi mắt biết cười sẽ làm xúc động nội tâm người khác
- Nụ cười giống như mặt trời, có thể tạo ra cho người khác nhiệt lượng và sự ấm áp
- Hãy cười bằng trái tim, bằng sự bao dung.
Giao tiếp qua diện mạo
Là những đặc điểm tự nhiên, ít thay đổi như tạng người cao hay thấp, mập hay ốm, mặt vuông hay dài, môi mỏng hay môi dày…, sắc da (trắng hay đen, xanh xao, vàng vọt hay ngăm ngăm…), và những đặc điểm thay đổi được như tóc, râu, trang điểm, trang sức, trang phục…
Diện mạo có thể gây ấn tượng rất mạnh, nhất là lần đầu tiên. Ví dụ: đàn ông cao ráo, có vẻ mạnh khỏe, sẽ gây ấn tượng tốt hơn là những người thấp bé hay gầy đét; một người “tốt tướng” thường được mọi người tôn trọng từ cái nhìn đầu tiên.
Cách trang sức cũng nói lên nhiều cá tính, văn hóa, nghề nghiệp của một cá nhân. Cách ăn mặt cũng giúp chúng ta đoán được trạng thái tình cảm và các phẩm chất tâm lý của một người. Người mặc áo rực rỡ thường có tâm trạng vui vẻ, sảng khoái. Người luôn mặc quần áo sáng màu là người thích giao du, hướng ngoại.
Cách ăn mặc cũng phản ánh nghề nghiệp, địa vị, lứa tuổi. Các nghề có đồng phục đặc biệt biểu hiện quyền lực, vị trí xã hội. Ví dụ: đồng phục không quân, hải quân thường gây ấn tượng mạnh với giới trẻ.
Cử chỉ và điệu bộ
Các cử chỉ gồm các chuyển động của đầu (gật đầu, lắc đầu…), của bàn tay (vẫy chào, khua tay…), của cánh tay… Vận động của chúng có ý nghĩa nhất định trong giao tiếp. Thật vậy, chuyển động của đầu có thể là “đồng ý” hay “không đồng ý”, của bàn tay là lời mời, sự từ chối, chống đối hay van xin…
Người ta cũng có thể dùng cử chỉ để điều khiển cuộc giao tiếp, chẳng hạn như một số vận động của tay và đầu có ý nhắc nhở người đối thoại nói nhanh, chậm, dừng lại hay giải thích thêm.
Tư thế
Tư thế cũng là một trong những phương tiện giao tiếp. Nó có liên quan mật thiết với vai trò, vị trí xã hội của cá nhân. Thường thường, một cách vô thức nó bộc lộ cương vị xã hội mà cá nhân đang đảm nhiệm. Ví dụ: tư thế ngồi thoải mái, đầu hơi ngả ra phía sau là tư thế của bề trên, của lãnh đạo. Tư thế ngồi hơi cúi đầu về trước tựa hồ như lắng nghe là tư thế của cấp dưới.
Tư thế có vai trò biểu cảm, có thể nhìn thấy qua tư thế trạng thái tinh thần thoải mái hay căng thẳng. Những tư thế để mở tay và chân tựa như tạo điều kiện để tiếp cận, gần gũi cho người đối thoại, phản ánh một thái độ cởi mở, hòa hợp. Các cá nhân có khuynh hướng bắt chước tư thế của người khác. Cá nhân cũng có thể dùng việc thay đổi dáng điệu để gửi đi các thông điệp một cách cố ý, ranh mãnh.
Khoảnh cách giao tiếp
Khoảng cách giữa hai người giao tiếp nói lên mức độ quan hệ giữa họ. Người thân trong gia đình đứng gần sát nhau. Bạn bè thân thiết có thể ngồi gần nhau, còn đối với người lạ hay mới quen thì ta thường giữ một khoảng cách nhất định.
Việc bố trí không gian giao tiếp cũng là một vấn đề được giới nghiên cứu để ý. Muốn tạo một không khí dân chủ, thoải mái người người ta thường bố trí ngồi theo bàn tròn để không ai có vị trí trung tâm.
Sử dụng không gian là một hình thức truyền tin. Về cơ bản chúng ta thường xích lại gần những người mà chúng ta thích và tin, nhưng lại tránh xa những người chúng ta sợ hoặc không tin. Nhà nhân loại học Hall đã chứng minh rằng có bốn vùng xung quanh mỗi cá nhân:
- Vùng mật thiết (0-0,5m) vùng này chỉ dành cho những người cực kỳ thân thiết như cha, mẹ, vợ, chồng, con, người yêu, bạn bè rất thân.
- Vùng cá nhân (0,5m-1,2/1,5m) dùng cho người phải rất quen đến mức thấy thoải mái.
- Vùng xã hội (1,2/1,5m-3,5m) dùng cho người chưa quen biết nhiều, người lạ mới gặp lần đầu.
- Vùng công cộng (3,5m+) gặp chung với nhiều người. Các cá nhân đứng ở vùng này không còn là những người phải gặp riêng nữa.
Khoảng cách nêu trên không phải là cứng nhắc mà sẽ thay đổi tuỳ theo dân tộc, theo vùng và theo từng cá nhân. Người ta cũng đã nhận thấy người dân ở vùng nông thôn không gian rộng lớn và thưa người có khuynh hướng giãn khoảng cách ra xa hơn còn người dân ở các thành phố lớn chật chội và đông đúc có khoảng không giao tiếp hẹp hơn.
Đi kèm với không gian giao tiếp các cá nhân có khuynh hướng xác định lãnh thổ của riêng mình bằng cách dựng nên các bức vách nhỏ có thể bằng cây cảnh, tủ đựng hồ sơ, hoặc các dấu ấn để đánh dấu lãnh thổ bằng các đồ vật.
Ngôn ngữ cơ thể làm phong phú thêm ngôn ngữ nói và cách giao tiếp. Đôi khi không cần nói mà ánh mắt, vẻ mặt của bạn đã nói lên tất cả tâm tình của bạn. Ứng dụng của ngôn ngữ cơ thể có thể được biểu hiện qua giao tiếp hàng ngày, trong cả cuộc sống và trong công việc …. Sự kết hợp giữa lời nói và cử chỉ sẽ giúp chúng ta thể hiện bản thân một cách toàn diện và gây ấn tượng mạnh hơn với người nghe. Tuy nhiên, ngôn ngữ cơ thể phải được sử dụng một cáchhợp lí, tế nhị và bài bản ngay từ khi bắt đầu mọi cuộc giao tiếp. Tránh lạm dụng quá mức sẽ dẫn tới phản tác dụng. Nếu thực hiện đúng, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và hạn chế những xung đột hay tai nạn giao tiếp không đáng có.