Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, xu hướng nội thất và xu hướng thời trang luôn song hành cùng nhau. Mọi người cho rằng giữa chúng tồn tại điểm tương đồng và ranh giới giữa chúng chỉ cách nhau một khoảng rất nhỏ. Là nhà thiết kế nội thất, muốn đón đầu xu hướng thì liên tục cập nhật thông tin về thế giới thời trang.
Để đi may một chiếc áo dài thì phần việc quan trọng nhất là lựa chọn chất liệu vải. Chất liệu và hoa văn trên vải chiếm đến 70% tính thẩm mỹ của chiếc áo, tôn lên giá trị và vẻ đẹp của người mặc. Ngành nội thất cũng vậy, bề mặt và chất lượng nguyên liệu làm đồ nội thất chính là chìa khóa đưa con người tới những thăng hoa trong không gian.
Để sản xuất một bộ trang phục hay làm nội thất cho một ngôi nhà, các nhà thiết kế và kiến trúc sư đều phải làm việc với các bản phác thảo, mẫu, màu sắc, vải, kết cấu, hình dạng và không gian. Vậy hãy xem cụ thể mối tương quan giữa thời trang và nội thất ở đây là gì?
Nội Dung
Cùng thiết lập xu hướng
Nếu như xu hướng thời trang là kết quả của những chuyển dịch kinh tế, xã hội và lịch sử thì xu hướng thiết kế nội thất chính là hệ quả của xu hướng thời trang. Các sàn diễn thời trang chính là khởi nguồn của những cảm hứng sáng tạo trong nội thất. Đó có thể là một hình hoa văn độc đáo hoặc là sự kết hợp của nhiều chất liệu khác nhau.
Vì thời trang luôn là một phạm trù hấp dẫn và người tiêu dùng thì ngày càng khắt khe, việc đi theo các xu hướng thời trang là một lựa chọn thông minh để mang đến những gì một người mong muốn trong ngôi nhà của họ.
Có thể lấy ví dụ về Color Block – phong cách thời trang phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện nay, xu hướng này cũng đã được áp dụng rộng rãi trong nội thất, tạo điểm nhấn, sự phá cách và nét cá tính của chủ nhân.
Vẻ đẹp xuất phát từ vật liệu
Thiết kế trang phục cũng là câu chuyện kết hợp các vật liệu cấu thành – tương tự như với thiết kế nội thất. Hiểu về vật liệu, lắng nghe và sắp đặt chúng cạnh nhau một cách hòa hợp, khoa học chính là giao điểm giữa thời trang và nội thất.
Màu sắc, hoa văn, chất liệu. Những nhân tố này được cân nhắc trên một bộ trang phục cũng giống như trong một không gian. Trong đó, vật liệu là nhân tố quan trọng quyết định cảm xúc của con người. Người Việt thường sử dụng gỗ làm chất liệu nội thất trong gia đình vì đặc tính chắc bền và vân gỗ đẹp tạo cảm giác sang trọng, ấm áp.
Thể hiện cái tôi của người thiết kế và người sử dụng
Cả thời trang và thiết kế nội thất đều là sự thể hiện bản thân một cách nghệ thuật nhất. Khi tự tin là chính mình trong bộ trang phục đang mặc, cảm xúc ấy cũng tương tự như khi ở trong một không gian nội thất ưng ý. Thay vì cảm thấy đẹp, an toàn và thoải mái dưới lớp vải của quần áo, chúng ta tìm kiếm cảm giác an trú, tiện nghi trong không gian quen thuộc – ngôi nhà. Những gì trong ngôi nhà, trên người bạn sẽ thể hiện bạn là ai.
Chúng ta tìm kiến sự an toàn và bình yên cho tâm hồn nhưng cũng luôn khao khát thể hiện cái tôi trong cộng đồng nhiều màu sắc. Và thời trang nội thất sẽ trở thành phương tiện để bản sắc và tính cá nhân hóa của mỗi người được bộc lộ.
Xu hướng tái chế và nâng cấp
Thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhận thức và mối quan tâm về môi trường từ người tiêu dùng đang làm cho ngành công nghiệp này trở nên xanh hơn. Ngành thiết kế nội thất mang tính sinh thái và bảo vệ môi trường cũng đang có sự chuyển mình thay đổi.
Đồ nội thất cũng đang có xu hướng này: bền hơn, đẹp hơn, đảm bảo tính thẩm mỹ lâu dài. Vân gỗ óc chó là một ví dụ điển hình. Trải qua rất nhiều dịch chuyển của ngành nội thất, loại vân gỗ này vẫn được ưu ái và cải biến với những hướng đi mới hơn về màu sắc: thêm những tông màu mới như tông đen, xám khói,…; kiểu vân: sáng tạo những phiên bản gỗ óc chó mới mẻ kết hợp giữa vân núi và vân thắng…
BST nội thất đến từ những thương hiệu thời trang cao cấp
Thương hiệu đến từ Tây Ban Nha – Loewe thậm chí còn vượt mặt Gucci khi ra mắt bộ sưu tập đồ nội thất đầu tiên tại Salone del Mobile – tuần lễ thời trang lớn nhất dành cho sản phẩm nội thất tại Milan, Ý. Bộ sưu tập này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với giới mộ điệu nội thất và thời trang. Louis Vuitton cũng đã mở rộng dòng sản phẩm thiết kế nội thất với 10 sản phẩm…
BST nội thất Loewe
Ngoài ra, trong thế giới nội thất, bạn còn dễ dàng bắt gặp những cái tên đến từ thế giới thời trang như Dior, Versace Home, Hermès, Birkenstock, Donna Karan Home, Ralph Lauren Home, Armani/Casa…
BST của Dior
BST Những chiếc bàn của Fendi
Tuy nội thất vốn không phải là lĩnh vực thế mạnh của các nhà thiết kế & tạo mẫu thời trang. Vì vậy, nhiều hãng thời trang cao cấp nổi tiếng đã bắt tay hợp tác với kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất để tạo ra những dòng sản phẩm nội thất đặc trưng với thẩm mỹ của thương hiệu trong từng chi tiết cụ thể về màu sắc, hoa văn, chất liệu và bố cục thể hiện.
Sự hòa quyện của hai thế giới tưởng chừng khác biệt nhưng thực chất có rất nhiều điểm tương đồng, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho cả ngành sáng tạo, làm đẹp không gian sống và công nghệ may mặc.